Xách nước tưới cây thì ai cũng biết!
Rồi con người ngày một lười, muốn tưới cây mà không cần xách nước. Trong số các công nghệ làm biếng có cái tên nổi trội “tưới nhỏ giọt“.
Tưới nhỏ giọt là dẫn vòi đến từng gốc cây mà tưới rỉ rả, cũng không đến nỗi “nhỏ giọt”, được thuyết giảng là chỉ tưới cho cây thôi, còn đám cỏ gần đó thì không!
Đã là công nghệ thì phải đầu tư, nghĩa là tốn tiền, tiền mua công nghệ đã đành mà nhiều phen tốn cả “học phí” do ngu và bị gạt.
Tóm tắt, công nghệ làm biếng “nhỏ giọt” cần nhiều loại ống dẫn và đầu tưới.
- Đường ống trục chạy dọc hàng cây cần tưới và lấy nước từ ống chính
- Từ đường trục có nhiều ống nhỏ rẽ nhánh đến từng gốc cây
- Mỗi ống nhánh cần một đầu tưới hay một van khóa bớt nước
Đường kính của ống chính và ống trục được tính toán từ tổng lượng nước cần tưới cho các hàng cây và tốc độ dòng chảy, ống nhánh thường dùng ống 4.5 hay 6mm, còn đầu tưới thì có quá nhiều loại.
Thông thường người mới “vào nghề” bị gạt không chỉ ở giá cả của vật tư, mà còn bị gạt ở kích thước ống và chất lượng đầu tưới, cho đến khi học được khôn rồi thì có khi phải vứt hết các món đã mua để làm lại từ đầu.
Tưới cây được đề cập ở đây là tưới cho sân vườn nhỏ, thí dụ như cây trên sân thượng, vườn tường… Các ứng dụng tưới công nghiệp như tưới cho vườn thanh long hay các trụ tiêu… không phải là đối tượng của bài viết này.
Ống nước
Ống dùng cho sân vườn nhỏ thì không cần lớn mà sơ đồ lắp ống cũng đơn giản. Thông thường chỉ cần đường trục chạy quanh sân, hoặc có thể thêm vài đường chen giữa các hàng cây.
# Ống đường trục có thể là ống cứng PVC hay ống nhựa dẻo. Nếu dùng ống nhựa dẻo thì phải có màu đen, bởi vì nếu để lọt sáng thì nước trong ống đóng rong rêu làm tắt nghẻn đầu tưới. Nhưng ống màu đen khó tìm, chỉ có sẵn ở các nhà cung cấp thiết bị tưới với giá cắt cổ. Nếu không tìm được ống đen thì có thể dùng ống màu xanh lá cây vì ánh sáng lục ít bị hấp thu bởi diệp lục tố.
Đường kính ống cứng nên là 21mm, nhỏ hơn có thể dễ gãy sau khi bị khoan lỗ. Đường kính ống mềm có thể chỉ cần 16mm là đủ.
Theo qui định, đường kính ống là đường kính trong, đường kính ngoài sẽ thay đổi tuỳ độ dầy của thành ống. Tuy nhiên người bán thường bán ống theo đường kính ngoài, bởi vì chênh lệch 2-4 mm đường kính ống sẽ dẫn đến chênh lệch đáng kể về giá.
Có sự bất thường khi ống dẻo 16 màu đen lại có giá cao hơn ống cứng 21, cũng cao giá hơn ống dẻo có màu sáng và có lưới chỉ bên trong. Người bán lợi dụng người dùng không biết chổ mua để ép giá.
Tôi mua ống dẻo đen 16 thì được giao ống 13 với giá 6500đ/m, ống 4.5 thì được giao ống 3.5mm. Lần thứ hai, mua ống 14 thì lại giao ống 10mm với giá 6000đ/m. Tôi tay mơ chưa biết bị gạt đâu… cho đến khi dùng thước kẹp. Sau này tự mua ống dẻo có lưới màu xanh lục 16mm giá chỉ 4000đ/m, ống đen còn rẻ hơn nữa nhưng không có sẵn hàng.
# Ống nhánh tưới cây có đường kính từ 4.5mm đến 6mm, bán theo ký. Nếu mua ống nhỏ (hay bị gạt) thì khó lắp đầu tưới và các đầu chia.
Đầu tưới
Để có thể tưới “nhỏ giọt”, người ta phải hạn chế lưu lượng nước thoát ra từ đầu tưới. Trong công nghệ tưới nhỏ giọt, điều này rất quan trọng vì nó giúp giảm áp suất cần thiết trong các đường ống trục, giúp giảm kích thước ống và thậm chí không cần máy bơm.
Có hai cách hạn chế lưu lượng nước thoát ra từ đầu tưới:
- Khóa bớt nước (bóp nghẹt) lại ở đâu đó trên đường ống tưới
- Khóa bớt nước bằng đầu tưới
Cho dù dùng cách nào, yêu cầu kỹ thuật là có thể điều chỉnh lượng nước dễ dàng và lượng nước tưới ổn định ngày qua ngày.
+ Với cách thứ nhất, người ta có thể dùng van của ống truyền nước biển hay chế ra một loại van rẻ tiền nào đó. Cách này còn tiết kiệm hơn nữa khi không cần mua đầu tưới.
+ Với cách thứ hai, cần phải mua đầu tưới có thể điều chỉnh được lượng nước thoát ra.
- Đầu tưới thứ nhất
Một bên hình côn giúp giữ chặt ống, một bên có rãnh như ốc vít. Khi lắp vào ống, nước sẽ luồn theo các rãnh này để ra ngoài. Để bảo đảm nước có thể chảy ra ngoài, ở một bên người ta mài vát các gân trôn ốc này!!! Điều chỉnh nước chảy nhiều hay ít bằng cách gắn ống nửa chừng hay khít vào trong. Ưu điểm của nó là rẻ, 1200đ/cái.
Nguyên lý làm việc thì nghe … có lý. Khi tôi lắp dây tưới (bị gạt) 3.5mm vào và điều chỉnh nhỏ giọt như ý thì vài hôm sau nó không chảy nước nữa. Xem xét kỹ thì ra dây tưới gặp nắng nở ra sau đó co lại thì lắp vừa khít các rãnh vít. Các gân trôn ốc này thay vì tạo rãnh sâu hơn thì lại bị mài vát nên càng không có chỗ cho nước chảy qua. Khắc phục bằng cách tháo ống ra lắp lại và điều chỉnh lại, vài hôm sau lại tắc. Mỗi lần tháo ống ra tay đau lắm vì nó bó cứng ngắt, chỉ có cắt ống là dễ. Sau này mua ống 4.5mm to hơn thì ít bị tắc, nhưng điều chỉnh lưu lượng nước tưới vẫn khó. Mua tốn tiền rồi không lẽ bỏ, để dành nối ống chứ không cần nó nhỏ giọt làm chi nữa.
- Đầu tưới thứ hai
Dễ thấy nhất là nó có một con ốc dùng để điểu chỉnh lượng nước tưới. Con ốc này dài đến tận nơi nối với ống tưới. Khi vặn ốc này vào thì nó sẽ bịt đường nước. Khi nước vào bên trong đầu tưới thì sẽ được dẫn ra theo một vòi bên hông. Tóm lại thiết kế này ổn, điều chỉnh lượng nước dễ dàng và có đường dẫn nước ra đàng hoàng chứ không nhờ cậy vào cách nối ống lỏng lẻo. Ưu điểm nữa là rẻ, 1000đ/cái.
Nhược điểm cũng có nhiều. Đầu tiên là nó được làm từ nhựa dẻo thông thường, không chống chịu được nắng mưa, dễ bị gảy/nứt. Kế đến là nó không dùng để nối tiếp từ chậu này qua chậu kia (phải dùng nối chữ T nếu cần). Ngoài ra, nó có thể không chịu nhỏ giọt nếu trong ống tưới có bọt khí. Bọt khí này hình thành do nước bốc hơi ở đầu ống tưới mỗi khi ngưng tưới vài giờ. Khắc phục bằng cách cho đầu tưới chảy nhiều hơn “nhỏ giọt”.
- Đầu tưới thứ ba
Vặn nắp màu đỏ để điều chỉnh lượng nước tưới theo nguyên tắc tương tự đầu tưới thứ hai. Nếu cho nước vào nắp nhiều và áp lực nước đủ mạnh thì nước tưới sẽ xòe ra 8 tia tạo vòm tròn đường kính 30cm qua các lổ trên nắp. Nếu vặn nắp gần hết vào thì nước sẽ nhỏ giọt. Đầu tưới này được giới thiệu là của Tây Ban Nha, giá 3000đ/cái.
Thực tế sử dụng cho thấy đây là đầu tưới ít nghẹt nhất.
- Đầu tưới thứ tư
Tương tự như đầu tưới thứ hai, nhưng nước dẫn từ nhánh hai bên và nhỏ xuống nhánh bên dưới, ốc điều chỉnh lượng nước nằm bên trên. Đầu tưới này rất tiện lợi để nối liên tiếp trên đường ống tưới. Giá 750-1000đ /đầu tưới (tháng 9/2015)
Mẫu đầu tưới như trên có hai nhược điểm: Các nhánh dẫn nước không có khấc để giữ chặt ống nhựa nối vào và ốc điều chỉnh khá lỏng lẻo nên để rỉ nước tại vị trí ốc và vị trí nối với ống tưới. Nhiều khi vặn chặc hết mức ốc mà nước vẫn chảy nhỏ giọt. Có thể bôi ít keo (loại dùng nối ống PVC) để nối chắc ống nhựa 5mm vào đầu tưới, loại keo này khi khô sẽ tạo ra một màng nhựa mỏng giúp bít các khoảng hở và làm tăng ma sát giữa các đầu nối, hoặc dùng đầu nhọn nóng của mỏ hàn vạch mấy khấc lên đầu nối.
Gắn ống nhánh vào ống đường trục
Có thể gắn ống nhánh 4.5mm – 5mm trực tiếp vào ống trục PVC 21mm hay nhựa dẻo 16mm mà không cần đầu nối (khởi thủy).
Trước hết khoan lổ 4mm trên ống đường trục và gắn ống nhánh vào. Có thể cắt xéo ống nhánh một chút để dễ gắn. Sau khi gắn, ống nhánh nở ra một chút bịt kín chỗ nối, không rỉ nước.
Có người khuyên dùng mỏ hàn đầu 4mm hoặc nhỏ hơn, đốt nóng và châm chảy nhựa trên ống trục rồi lập tức gắn ống nhánh vào, giữ yên một chút chờ nguội.
Không cần mỗi chậu cây thì khoan một lỗ! Thông thường một ống nhánh như thế có thể cấp nước cho 3-5 chậu cây bằng cách nối tiếp các đầu tưới chạy qua từng chậu cây.
Nối tiếp các đầu tưới
Một ống nhánh có thể gắn nối tiếp 3-10 đầu tưới (tùy lưu lượng tưới). Có loại đầu tưới được thiết kế để gắn nối tiếp với ống nhánh tại 2 bên đầu tưới, có loại chỉ có một đầu gắn vào ống nhánh, khi đó có thể dùng đầu chia chữ T để lấy nước vào đầu tưới.
Nối các ống đường trục
Một cuộn dây dẻo thường dài 35-38m, một ống cứng PVC dài 4m, nếu không đủ dài thì phải nối. Thông thường với ống cứng PVC thì có khâu nối cùng cỡ lồng bên ngoài ống, thí dụ 21-21, ngoài ra cũng có khâu nối khác cỡ gọi là nối giảm, thí dụ 27-21. Với ống nhựa dẻo thì người ta hay dùng khâu nối bằng đồng lồng bên trong ống, không rỉ sét nhưng đắt tiền. Có một cách khác là dùng ống dẻo có kích thước nhỏ hơn ống cần nối 2mm, bôi keo silicon (loại dán kính) bên ngoài sau đó lồng vào bên trong 2 đầu đoạn ống cần nối, quấn băng keo nhựa để giữ 2 đoạn ống nối không xê dịch chờ keo khô. Nối xong có thể dùng được ngay, không rỉ nước.
Máy hẹn giờ tưới
Máy gồm timer hẹn giờ và van điện từ để mở/đóng nước.
Bình thường van nước đóng, không có nước vào hệ thống tưới. Khi đến giờ hẹn, van được mở và đóng lại sau khi tưới được môt số phút định trước. Máy cho phép lập trình tưới nhiều lần trong ngày với thời gian tưới dài ngắn khác nhau.
Tốt nhất là chọn máy dùng pin để tránh tai nạn về điện, có thể là pin vuông 9V hay vài pin tiểu 1.5V. Tất nhiên là dùng pin dung lượng thấp thì phải thay pin thường hơn, có thể là hàng tháng hay ít hơn.
Một số máy nhập từ USA, Israel, Tây Ban Nha với giá vài triệu đồng, tất nhiên là tốt hơn máy China, nhưng cần chú ý máy có được nhiệt đới hóa hay không, bởi vì máy có thể bị chảy/nứt vỏ nhựa khi bị phơi nắng nhiều ngày.
Đôi khi van đóng mở nước chỉ là một màng cao su, ép vào thành ống thì bịt đường nước. Một mô tơ nhỏ dùng để ép/mở màng cao su. Để van thường đóng ngay cả khi áp suất trong ống cao, một lò xo nhỏ được thiết kế để trợ giúp ép màng cao su. Trong trường hợp áp suất nước yếu (thí dụ nước được dẫn từ bồn cao vài ba mét), van này ở vị trí mở cũng không mở hoàn toàn nên nước ra khỏi máy rất yếu không thể đi xa. Khắc phục bằng cách bỏ lò xo trợ lực đi.
Dùng RPi để làm timer hẹn giờ là quá tốt nhưng cũng bất tiện! RPi có thể được lập trình GPIO để hẹn giờ bật tắt van điện từ, nhưng van điện từ nằm ở ngay vòi nước còn RPi thường ở trong nhà vì cần được nuôi từ điện lưới và tránh mưa nắng, vì vậy dây nối 5V giữa 2 thiết bị có thể dài và tổn thất điện năng có thể khiến van điện từ không hoạt động. Nhưng nếu dùng RPi để kết hợp quản lý thêm các việc khác như bật/tắt đèn hay kết hợp với webcam làm camera quan sát thì mới đáng dùng dao … trâu để … gà!
Nhỏ giọt hay không nhỏ giọt?
Bắt chước người ta xài công nghệ nhỏ giọt, nhưng đầu tưới khi nhỏ giọt khi tắc tịt. Chậu cây cái lớn cái nhỏ, cây trồng loại chịu hạn loại ưa nước, cho nên đầu tưới hay van khóa có khả năng điều chỉnh được lượng nước là yêu cầu đầu tiên, tiếp đến là không bị tắc vì bất cứ lý do gì.
Nhưng nếu không có được đầu tưới như vậy hay có mà mắc tới mức thà xách nước tưới thì sao?
Câu trả lời là xài công nghệ nhỏ giọt theo cách không cần nhỏ giọt. Nhỏ giọt là khi mình đếm được giọt nước chảy ra nhưng đến khi không còn đếm kịp thì đã sang công nghệ khác rồi.
Điều quan trọng ở đây là áp lực nước ở cuối đường ống có đủ cho nhu cầu tưới hay không mà thôi. Để tránh tắc đầu tưới do bọt khí thì có thể điều chỉnh cho nước chảy nhiều hơn một chút, thời gian tưới ngắn hơn, nhiều lần hơn. Tưới sao cho lá cây không héo trong nắng, sân trồng cây khô ráo có thể đi dạo được là đạt yêu cầu.
Phụ lục:
Bên trong một máy hẹn giờ tưới
1. Tháo 3 ốc để lấy phần màn hình LCD ra
2. Tháo tiếp 4 ốc để lấy motor ra
3. Motor khi hoạt động sẽ quay bánh răng đến 1 trong 2 vị trí tương ứng với đóng/mở nước
4. Bánh răng và cốt cam có nhiệm vụ đổi chuyển động tròn thành chuyển động thẳng, kéo đẩy một que nhựa bên trong nút màu đen, đóng vai trò một cái bơm.
Đóng nước -> bơm đẩy. Mở nước -> bơm hút.
Bơm dù cấu tạo đơn giản nhưng là chi tiết được chế tạo chính xác. Nếu vì lý do nào đó bơm không tạo đủ lực đẩy/hút cần thiết thì không thể đóng/mở nước.
Bơm được đặt lệch một bên chừa vị trí trung tâm cho một lò xo giúp màng nhựa thường đóng.
5. Bơm màu đen đẩy/hút màn nhựa giúp chặn/mở nước
Một số máy khác không dùng bơm mà thay bằng một que chuyển động thẳng để ấn/nhả màn nhựa. Cách thiết kế này đơn giản hơn nhiều nhưng thường đòi hỏi motor mạnh hơn để thắng áp lực nước.